Sinh năm 1993, Nguyễn Tấn Phong từ một người đi làm thuê, trải qua nhiều công việc nặng nhọc, đã mạnh dạn trở về quê huyện Đinh Quán, Đồng Nai học nghề nuôi rắn ráo trâu và đã sớm gặt hái được nhiều thành công.
Hiện nay ông chủ trẻ Nguyễn Tấn Phong đã có trại rắn với 300 chuồng, hơn 10.000 rắn thương phẩm, mỗi năm thu khoảng trên 3 tỷ đồng tiền xuất bán rắn.
Cầm trên tay một con rắn ráo trâu dài khoảng 1m, nặng 2kg, anh Phong cho biết đây là loài rắn rất hiền và không độc như nhiều loài rắn khác. Từ rắn con, sau khi nuôi khoảng gần 1 năm, rắn ráo trâu sẽ đạt được trọng lượng khoảng 2kg, đây là thời điểm xuất bán rắn hoặc dưỡng để rắn đẻ trứng. Đặc điểm của rắn ráo trâu là tiêu tốn ít thức ăn và không mất quá nhiều thời gian chăm sóc.
Dẫn chúng tôi tham quan các chuồng rắn, anh Phong cho biết, vào mùa rắn đẻ trứng, trại rắn của anh thu khoảng trên dưới 1.000 trứng/ngày. Số trứng rắn này được anh cho ấp nở với tỷ lệ đạt khoảng 80%. Rắn con sẽ được anh dưỡng để tiếp tục gầy đàn và bán rắn giống cho các trại rắn trong khu vực.
“Năm 2017 vừa qua, trại rắn của tôi đã xuất bán khoảng 7 tấn rắn thương phẩm, thu về trên 3 tỷ đồng. Ngoài ra, số tiền bán rắn giống thu lại khoảng 700 triệu đồng”, anh Phong nói.
Anh Phong cho biết, do lượng rắn trang trại của anh hiện đang phát triển nhanh, thị trường ổn định, do đó thời gian tới anh sẽ tiếp tục mở rộng thêm quy mô, xây thêm chuồng trại để nuôi rắn thương phẩm.
Trước đây, rắn ráo trâu chủ yếu được bán cho các thương lái một số tỉnh phía Bắc và Tp. Hồ Chí Minh, nhưng hiện nay thị trường tiêu thụ rắn được mở rộng, hầu như tỉnh nào cũng thu mua rắn ráo trâu.
Đặc biệt, những năm gần đây thị trường Trung Quốc ưa chuộng loài vật nuôi này, nên thương lái thường xuyên đến đặt hàng để đưa đi Trung Quốc. Giá rắn ráo trâu nhiều năm nay vẫn ổn định ở mức 350.000 – 450.000 đồng/kg.
Anh Phong, chia sẻ cái duyên đến với loài vật này cũng tình cờ. Sau khi lên thành phố bươn chải với nhiều công việc nhưng đồng lương làm thuê không đủ trang trải cuộc sống, nên anh quyết định trở về quê xã La Ngà, huyện Định Quán, Đồng Nai để tìm công việc khác.
Nhiều hộ dân trong xã có các mô hình chăn nuôi như nuôi cá sấu, nuôi trăn. Ban đầu anh đến với mô hình nuôi trăn, tuy nhiên do chưa có kinh nghiệm nên sau gần 1 năm số trăn nuôi đã chết gần 1 nửa do chăm sóc không đúng kỹ thuật khiến trăn mắc bệnh.
Được một số người chia sẻ mô hình nuôi rắn ráo trâu, năm 2014 anh Phong đã chuyển sang nuôi rắn. Sau 4 năm nuôi rắn ráo trâu, anh Nguyễn Tấn Phong cho rằng đây là con vật dễ nuôi và mang lại lợi nhuận kinh tế cao.
Theo anh Phong, kỹ thuật quan trọng nhất trong nuôi rắn ráo trâu đó là giữ ấm chuồng nuôi khi thời tiết lạnh và làm mát cho rắn khi trời quá nóng. Thức ăn của rắn ráo trâu chủ yếu là thịt gà công nghiệp được cắt thành từng miếng nhỏ.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Định Quán, hiện nay trên địa bàn huyện Định Quán có 10 hộ nuôi rắn ráo trâu. Đây là loài vật không nằm trong danh mục cấm, tuy nhiên khi nuôi, các hộ dân cũng cần phải đăng ký với cơ quan kiểm lâm địa phương.
Sau khi đăng ký, cơ quan kiểm lâm sẽ xem xét các điều kiện như chuồng trại, mật độ nuôi và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện. Trong quá trình nuôi, lực lượng kiểm lâm có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra về an toàn chuồng trại, mật độ, chủng loại rắn…./.